Tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, trong thời gian học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên tạm thời nghỉ học, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống Covid-19.
Cụ thể, bộ yêu cầu các Sở chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh để tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, một cách phù hợp.
Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập. Chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua internet có chất lượng.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ hỗ trợ miễn phí các nhà trường tổ chức dạy học qua internet (thông tin liên hệ có tại địa chỉ https://olm.vn và thư điện tử a@olm.vn).
Bộ cũng đề nghị các Sở GD-ĐT tham mưu UBND cấp tỉnh thành chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với sở GD-ĐT để tổ chức dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó lưu ý lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy học và khung giờ phát sóng trên truyền hình bảo đảm chất lượng, phù hợp với chương trình học của các đối tượng học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Chủ động liên hệ với các địa phương đã triển khai chương trình dạy học trên truyền hình để tham khảo, sử dụng hoặc tiếp sóng cho học sinh tại địa phương học tập; chia sẻ các chương trình dạy học trên truyền hình của địa phương mình với các địa phương khác.
Xây dựng lịch phát sóng cụ thể trên truyền hình đối với từng môn học, lớp học và phổ biến tới toàn thể học sinh, giáo viên và gia đình học sinh; báo cáo lịch phát sóng về Bộ GD-ĐT (qua Cục Công nghệ thông tin để đưa lên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT).
Chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua internet, trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Các Sở cũng cần chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học (do Bộ GD-ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng) trên Kênh truyền hình giáo dục quốc gia (kênh VTV7 và một số kênh truyền hình trung ương khác) và các kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT (tại địa chỉ http://www.moet.gov.vn).
Cùng với đó, khi học sinh đi học trở lại, chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Sinh viên chính quy có thể học trực tuyến một số học phần
Vừa qua, một số cơ sở đào tạo đã chủ động triển khai các phương thức đào tạo từ xa (ĐTTX), đào tạo trực tuyến trong thời gian nghỉ học. Để thống nhất thực hiện, Bộ GD-ĐT cũng có công văn gửi các đại học, trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm yêu cầu cơ sở đào tạo căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo có thể sử dụng các phương thức ĐTTX đối với một số học phần phù hợp, áp dụng cho các khoá đào tạo chính quy, vừa làm vừa học trong thời gian học sinh, sinh viên không học tập trung do dịch Covid-19.
Trong đó, khuyến khích sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến qua mạng; bảo đảm chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của từng học phần và chương trình đào tạo.
Bộ yêu cầu các cơ sở đại học đảm bảo các điều kiện cần thiết, tổ chức ĐTTX phù hợp với phương thức ĐTTX mà cơ sở đào tạo lựa chọn gồm: hệ thống kỹ thuật hỗ trợ, học liệu, giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý… và các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Xây dựng các tài liệu hướng dẫn cho giảng viên, cán bộ quản lý, người học về các kỹ năng cần thiết để dạy-học từ xa (ví dụ kỹ năng sử dụng máy tính, thiết bị di động…);quy trình và cách thức tổ chức dạy-học theo phương thức ĐTTX; quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập…
Các cơ sở phải thông báo đầy đủ thông tin tới giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý, người học (tài liệu hướng dẫn ĐTTX, học liệu, kế hoạch học tập, kiểm tra, đánh giá,…), bảo đảm có sự chuẩn bị, thực hiện thống nhất giữa cơ sở đào tạo và người học khi tổ chức thực hiện.
Các cơ sở đào tạo bảo đảm chương trình, chất lượng đào tạo và chịu trách nhiệm giải trình.
Nguồn tin: www.baodienbienphu.info.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn